Cuối cùng, sau 28 năm, Lionel Messi cũng giành được danh hiệu cùng ĐTQG. Với cá nhân anh, điều quan trọng nhất mà Copa America mang lại là sự thừa nhận của những người đồng bào.
Rất ít khi người hâm mộ được chứng kiến một Messi cảm xúc như vậy khi giành danh hiệu. Anh từng đoạt HC vàng Olympic cho Argentina tại Thế vận hội 2008, cũng như 34 chiếc Cup các loại trong màu áo Barca. Nhưng chưa lần nào Messi biểu đạt thế này.
Anh gục xuống ôm mặt khóc ngay khi tiếng còi hết trận. Đồng đội lao đến ôm, anh đáp lại bằng những cái ôm hết người này đến người khác. Cả đội tung hô Messi, hướng mắt đến anh trong phút giây nâng Cup như thể muốn nói: “Của anh đấy, đội trưởng”.
HLV Lionel Scaloni xuất hiện rất ít. Ông chỉ lặng lẽ bước trên thảm cỏ sân Maracana, dường như cũng rơm rớm khi Messi chạy đến ôm, hẳn là để nói lời tri ân. Scaloni biết, danh hiệu này có công lao của ông, nhưng ông chấp nhận là nhân vật phụ. Vì đây là ngày của Messi.
Sòng bạc cá cược 588 : cado88.com
Đây là Messi “khác người” nhất mà người hâm mộ được thấy sau bao năm xem anh chơi bóng. Sự bùng nổ của các sắc thái cảm xúc rất khác với một chàng trai bẽn lẽn và sợ nói trước đông người. Khi gần hết trận, Messi có cơ hội đối mặt thủ môn Ederson của Brazil, và bình thường thì anh không bỏ lỡ.
Pha bóng đó sẽ trở thành bàn thắng ngọt sớt với Messi phiên bản bình thường: một cú sút chéo góc, hoặc đệm lòng đơn giản bằng chân trái. Nhưng đây không phải Messi của thường ngày. Đây là Messi của những cú xoạc bóng giao tranh máu lửa không kém bất cứ đàn em nào. Messi với cái mắt cá chân rớm máu nhưng vẫn đá hết trận bán kết với Colombia, và tiếp tục nhịn đau để đá trận này.
Khắp nơi trên đất nước Argentina bùng nổ niềm vui. Trên tờ Ole, bức ảnh một thanh niên cởi trần, sơn số 10 với cái tên Messi sau lưng nổi bật trên trang nhất. Messi biết anh vừa làm được điều gì: “Tôi đã thấy, nghe về không khí lễ hội ở Buenos Aires và Rosario, ở khắp mọi nơi”, anh nói sau trận. “Tôi muốn nhân cơ hội này cảm ơn mọi người tại quê nhà Rosario vì đã luôn ủng hộ tôi. Hãy cùng nhau tận hưởng khoảnh khắc này”.
Đây là lần đầu Messi thật sự mang đến niềm vui cho những người đồng bào của anh, và có lẽ là lần đầu được người Argentina thừa nhận một cách trọn vẹn. Đến Catalonia từ năm 13 tuổi, Messi không còn nói được thứ tiếng quê hương thuần chất. Anh từng được mời khoác áo đội tuyển Tây Ban Nha trước khi Liên đoàn Bóng đá Argentina phát hiện rồi vội vã gọi lên tuyển. Sau khi thua ba trận chung kết Copa America và một chung kết World Cup 2014, Messi từng hai lần từ giã đội tuyển quốc gia vào năm 2016 và 2018. Nhưng sau đó, anh đều đồng ý quay trở lại.
Những lúc như thế, Messi nói “số phận của tôi với đội tuyển đã hết”. Sức ép quá lớn từ những người đồng bào khiến Messi từng tâm sự với nhà báo Veronica Brunati rằng: “Tôi sẵn sàng đánh đổi sáu Quả bóng Vàng để đổi lấy một chiếc cúp cho Argentina”. Trận thua chung kết World Cup 2014 là thất bại đáng sợ nhất, khi nó khiến người Argentina hết sạch niềm tin vào việc Messi sẽ giúp họ có những chiếc cúp. “Khi cảm thấy mình sẽ thất bại, anh ấy đã không thể tiếp tục”, nhà báo Brunati nói. “Nếu bản thân Messi thấy tự tin thì dù phần còn lại tệ hại thế nào, anh ấy vẫn có thể thành công. Nhưng ngược lại thì không còn cách nào khác”.
Vấn đề của Messi chủ yếu là sự tự tin và cảm giác hòa nhập vào tập thể Argentina, nơi người ta vẫn săm soi và hoài nghi về ham muốn cống hiến của anh. Nhiệm vụ của bất cứ HLV Argentina nào là giúp Messi cảm thấy thoải mái. Vai trò của Scaloni trong chuyện này không phải bàn cãi. Nhà cầm quân không được đánh giá cao này có rất ít phát kiến chiến thuật khiến giới chuyên môn phải trầm trồ, nhưng riêng việc giải phóng cái đầu cho Messi thì ông làm rất tốt.
Cùng những người trợ lý Walter Samuel và Pablo Aimar, Scaloni khẳng định chân lý: Messi là người duy nhất không thể thay thế. Trước Paraguay ở vòng bảng, HLV 43 tuổi thay sáu vị trí đá xuất phát nhưng riêng Messi vẫn chơi trọn 90 phút. “Tất cả những gì cậu ấy muốn là chơi bóng, nên tôi không thể ngó lơ khao khát của Messi trong bất cứ hoàn cảnh nào”, Scaloni nói.
Theo Brunati, chuyện này đóng góp vào việc Messi cảm thấy thoải mái hơn với vai trò thủ lĩnh đội tuyển. “Cậu ấy cảm thấy thân thuộc hơn với tập thể này, đó là điều không phải bàn cãi”, cô nói. “Cả nước Argentina đã lại tin vào đội bóng này lần đầu kể từ năm 2014”.
Những so sánh với Maradona vẫn không thể tránh khỏi nhưng nó đã mang một sắc thái khác. Một bức ảnh trên mạng xã hội đặt cái mắt cá chân rớm máu của Messi bên cạnh chiếc mắt cá bị sưng phải khâu lại của Maradona ở World Cup 1990. Đấy là ẩn ý rằng cuối cùng thì “thằng nhóc tự kỷ” này cũng đã sẵn sàng đổ máu vì màu áo sọc trắng xanh. Cuối cùng thì Messi cũng trở nên hoang dã như những người Argentina khác, cũng… chửi thề trên mạng xã hội trong bài đăng ăn mừng chiến thắng, dù điều đó phải đánh đổi bằng chuyện chúng ta tạm thời đánh mất một Messi “được chuẩn hóa” như bao lâu nay trong màu áo Barca. Nó là cái giá của sự hòa nhập.
Suy cho cùng, không vinh quang nào thiếu sự đánh đổi. Mừng cho Messi, khi sau cả một sự nghiệp lăn lộn, anh cũng tìm thấy những phút giây hạnh phúc bên những người đồng hương thật sự của mình, mang quốc tịch Argentina.