Sau lễ truy điệu diễn ra ở Hà Nội, TP HCM và Thanh Hóa, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu được an táng tại nghĩa trang Mai Dịch.
Đúng 12h30 ngày 15/8, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình tuyên bố bắt đầu lễ truy điệu, nhấn mạnh, hơn 70 năm hoạt động cách mạng, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu “đã có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc; được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế”…
Hai ngày qua, 946 đoàn với trên 11.000 người gồm các vị lãnh đạo, đại diện các cơ quan, đơn vị, nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, cá nhân trong nước và quốc tế… đã đến viếng nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu tại Nhà tang lễ quốc gia (Hà Nội), hội trường Thống Nhất (TP HCM) và Hội trường 25B (TP Thanh Hoá).
27 đoàn ngoại giao và tổ chức quốc tế đến viếng, gồm hai đoàn lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước Lào, Campuchia…
Các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại lễ truy điệu.
Tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đông đảo đồng đội, người dân…, cùng dự lễ truy điệu trước khi tiễn đưa nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu về nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang Mai Dịch.
Trong bộ quân phục chỉnh tề, thượng uý Thái Thị Thành (74 tuổi, Hà Nội) có mặt ở Nhà tang lễ quốc gia từ sáng sớm. Bà nói 4h sáng qua (14/8), bà đến nhà tang lễ lúc 4h sáng để viếng và sáng nay cũng dậy từ khi mặt trời chưa lên để đi dự lễ truy điệu.
Bà Thành kể, năm 16 tuổi, bà đã tham gia cách mạng ở miền Trung; sau đó, đầu những năm 1970, bà phục vụ nấu ăn cho thủ trưởng Lê Khả Phiêu cùng nhiều lãnh đạo khác ở Cục chính trị Quân khu Trị Thiên.
Ấn tượng của bà Thành là trong lúc đất nước còn chiến tranh, thủ trưởng Lê Khả Phiêu đã đề nghị bà đi học y tá và nói “sắp thống nhất rồi, đất nước sẽ cần nhiều hơn các thầy thuốc, nhân viên y tế”. Nhờ đi học y tá mà bà đã gặp người yêu để lấy làm chồng sau này.
“Dù giữ cương vị nào, thủ trưởng Phiêu luôn gần gũi, quan tâm đến anh chị em cấp dưới. Trong những lúc gian khổ, thiếu đói nhất, thủ trưởng vẫn chia sẻ, động viên chúng tôi để cùng nhau vượt qua. Hôm nghe tin thủ trưởng mất, vợ chồng tôi đều bàng hoàng”, bà Thành bùi ngùi chia sẻ.
Bà Thái Thị Thành xúc động bật khóc khi dự lễ truy điệu nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, sáng 15/8.
Trong lễ truy điệu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đọc lời điếu, có đoạn “đồng chí Lê Khả Phiêu mất đi là tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước, quân đội, nhân dân và đồng chí, đồng đội, gia quyến, để lại niềm tiếc thương đối với bạn bè quốc tế”.
Theo lời điếu, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Đông Khê, huyện Đông Sơn (tỉnh Hoá), sớm giác ngộ cách mạng khi mới 16 tuổi, tích cực tham gia dạy bình dân học vụ và làm công tác tuyên truyền ở xã.
Tháng 6/1949, ông được kết nạp Đảng và nhận nhiệm vụ phụ trách công tác tuyên truyền, làm Chánh văn phòng chi bộ xã. Tháng 5/1950, ông tham gia quân đội và “luôn có mặt những địa bàn khó khăn, ác liệt”.
Là cán bộ trưởng thành từ cơ sở, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã kinh qua các chức vụ từ cấp đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn… Trong mọi hoàn cảnh, dù ở bất cứ cương vị công tác, chiến trường nào, ông cũng luôn luôn vượt qua mọi khó khăn gian khổ, chiến đấu và chỉ huy chiến đấu, xây dựng lực lượng quân đội đoàn kết nội bộ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, thể hiện phẩm chất cao quý của bộ đội cụ Hồ…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đọc lời điếu nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu.
Cũng theo lời điếu, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu là cán bộ được tôi luyện và trưởng thành qua trận mạc, khó khăn gian khổ, qua các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, làm nhiệm vụ quốc tế cao cả, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong giai đoạn nào, ông “luôn hoàn thành xuất sắc trọng trách trước Đảng, nhà nước và nhân dân”.
Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu cũng luôn có những đóng góp tâm huyết, thẳng thắng, thể hiện chính kiến, dám chịu trách nhiệm. Những năm gần đây, mặc dù tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút, ông vẫn tích cực tham gia đóng góp nhiều ý kiến cho Đảng, Nhà nước, quân đội…
Sau lời điếu, ông Lê Minh Diễn, con trai nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, gửi lời cảm ơn tới Đảng, Nhà nước, các cơ quan, đoàn thể, nhân dân… đã dành sự quan tâm, đến viếng, chia buồn và tiễn đưa nguyên Tổng bí thư về nơi an nghỉ cuối cùng.
Thay mặt gia đình, ông Diễn “có đôi lời tiễn biệt”, là “những dòng tâm sự, tuy rằng rất muộn, khi bố đã đi xa mãi mãi”.
Ông Diễn nói từ khi sinh ra đã quen với sự vắng mặt của bố, ký ức tuổi thơ chỉ là những buổi sơ tán, những buổi tối mắt nhắm, mắt mở lên nhà rồi lại xuống hầm…
Ông cũng quen với những trận mưa bão tốc mái, bung cửa nhà, gió lùa vào mọi ngõ ngách trong căn nhà vách đất. Vật lộn chống chọi với mưa bão, chỉ có mẹ và bốn bà cháu. Những hiểu biết của ông về bố chỉ là chú bố đội đang đi chiến trường chẳng biết bao giờ mới về.
“Chiến tranh kết thúc, bố chỉ về phép như bao người lính rồi lại lên đường với cuộc chiến biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế. Tiếp bước bố, hai anh em con nhập ngũ và trở thành người lính. Những năm 90, bố, con và em được về Hà Nội, gia đình lúc đó mới xum vầy đoàn tụ, nhưng vì người lính, do điều kiện công tác cũng chưa có lần nào được tâm sự dài với bố. Vì là người lính nên con cũng hiểu sự khó khăn gian khổ của bố, cũng cảm nhận được phần nào sự khốc liệt của chiến tranh…”, ông Diễn chia sẻ.
Ông xúc động, “bố luôn nói với chúng con rằng, được như ngày hôm nay phải biết ơn hàng triệu người hi sinh, hàng nghìn gia đình đã mất người thân. Bố dặn chúng con phải luôn gần gũi với dân, phải sống xứng đáng với những đóng góp và hi sinh của nhân dân… Tổng thời gian tâm sự của bố với con không nhiều, nhưng bấy nhiêu thời gian, con cũng học được ở bố rất nhiều, trong công việc và cuộc sống luôn lấy chữ tâm làm trọng”.
Thời gian tuy ngắn ngủi, nhưng qua những việc đã làm và qua những câu chuyện kể, nhận xét của những người đã chiến đấu, công tác cùng nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, ông Diễn cảm thấy tự hào về bố hơn.
“Nay bố đã đi xa, tóc con cũng đã bạc màu. Con xin hứa với bố sẽ sống đúng như những lời răn dạy của bố và sẽ nuôi dạy thế hệ sau này như bố đã dạy con”, ông Diễn nói và xin lỗi bố vì đã không thực hiện được ý nguyện “rải tro cốt ở ba dòng sông, nơi gắn liền với nhiều kỷ niệm của cuộc đời bố”.
“Bố ra đi để lại trong con dấu ấn của một thế hệ xả thân vì nước, dấu ấn của một thời trọn vẹn cống hiến và hi sinh. Bố ra đi để lại nơi này dấu chân qua các cuộc chiến, dấu chân người lính”, ông Diễn nói.
Ông Lê Minh Diễn, con trai nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu.
Tại TP HCM, lễ truy điệu nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu được cử hành trang trọng tại hội trường Thống Nhất.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Chánh văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên… cùng nhiều vị lãnh đạo và cán bộ, nhân dân thành phố dự lễ truy điệu.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân dự lễ truy điệu nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu.
Để đảm bảo phòng chống dịch Covid-19, một màn hình lớn được lắp đặt gần khu vực hội trường chính để các đoàn thể, sở ngành, cựu chiến binh… cùng theo dõi lễ truy điệu nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu.
Tại Thanh Hóa, từ sáng nay 15/8, hàng trăm người dân và lãnh đạo tỉnh dự lễ truy điệu nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu tại Hội trường 25B TP Thanh Hóa.
Hôm qua tại TP Thanh Hóa mưa lớn nhưng sáng nay trời tạnh ráo, có nắng và gió nhẹ. Trước và trong giờ truy điệu, an ninh trên tuyến đường Quang Trung dẫn về trung tâm hội nghị 25B được thắt chặt, cảnh sát phân luồng phương tiện để các đoàn dự lễ truy điệu di chuyển thuận lợi.
Trong hội trường 25B, khoảng gần một nghìn người dự lễ truy điệu. Bên ngoài, ban tổ chức bố trí màn hình cỡ lớn phục vụ người dân theo dõi.
Đoàn xe tang đi qua Nhà hát lớn Hà Nội.
Tại nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội), trời mưa nhỏ và ngớt dần lúc lễ an táng bắt đầu. 14h05, đội danh dự chuyển linh cữu nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu vào vị trí; sau khi linh cữu được hạ huyệt, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và gia quyến… đi vòng quanh, thả những nắm hoa tiễn biệt ông.