Đại diện Tổng cục thống kê khẳng định nhu cầu thịt lợn tết này cơ bản được đáp ứng nên giá sẽ không cao như Tết Canh Tý 2020.
Họp báo Tổng cục Thống kê chiều 27/12, ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Thống kê Nông, lâm nghiệp và thủy sản cho biết, cơ quan này đã tính toán nhu cầu tiêu thụ và nguồn cung trên cơ sở dân số tăng thêm 2 triệu người trong hai năm gần đây. “Ước tính thịt lợn chỉ thiếu khoảng 20.000-30.000 tấn, nhưng với xu hướng tiêu dùng giảm dần, chúng tôi cho rằng nhu cầu về cơ bản đáp ứng đủ”, ông Hiếu nói.
Theo lãnh đạo cơ quan thống kê, năm 2020, dịch tả lợn châu Phi về cơ bản được kiểm soát, chỉ còn một số ổ dịch nhỏ lẻ. Số lượng lợn tiêu hủy năm nay cũng chỉ khoảng 86.000 con, thấp hơn rất nhiều so với năm 2019 (tiêu hủy hơn 6 triệu con). Đàn lợn trên cả nước đang trên đà khôi phục, dù hiện tại tốc độ tăng còn chậm do khó khăn về con giống và dịch bệnh chưa khống chế hoàn toàn. Tổng đàn đến cuối tháng 12 ước đạt 23 triệu con, tăng 17% cùng thời điểm năm trước. Tuy nhiên, nếu so với năm 2018, quy mô tổng đàn hiện nay mới bằng 82%.
Tuy nhiên, sản lượng lợn hơi trong quý IV đã đạt 992.000 tấn, tương đương quy mô khi chưa có dịch bệnh. “Qua theo dõi số lượng tổng đàn và xu hướng vào đàn hiện nay, chúng tôi cho rằng xu hướng chung sẽ còn tiếp tục tăng thêm”, Vụ trưởng Thống kê Nông, lâm nghiệp và thủy sản đánh giá.
Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Thống kê giá cho biết, thịt lợn là một trong những nguyên nhân chính tạo áp lực lên CPI năm nay. Trung bình năm nay, giá thịt lợn tăng khoảng 50% so với năm trước và đóng góp 1,94% vào mức tăng 3,23% của CPI. Hồi đầu năm, có thời điểm mặt hàng này đẩy CPI tăng hơn 6,4%. Các giải pháp đồng bộ được thực hiện, bao gồm cả việc nhập lợn sống từ các thị trường khác như Thái Lan đã phần nào giúp hạ nhiệt thị trường trong nước.
Trong những tháng cuối năm, giá thịt lợn có phần ổn định ở vùng giá dưới 80.000 đồng. Sáng nay (28/12), giá thịt lợn hơi tại miền Bắc dao động trong khoảng 76.000-80.000 đồng mỗi kg, cao hơn khoảng 4.000 đồng so với thị trường phía Nam.