Tòa nhà Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, quận 1, gần 100 tuổi bị lún nền, nứt tường, bong tróc nhiều nơi.
Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM nằm trong khuôn viên khoảng 3.500 m2, ở mặt tiền đường Phó Đức Chính và Lê Thị Hồng Gấm (quận 1), xây dựng năm 1929. Tòa nhà hình chữ U, mái lợp ngói âm dương, tường dày 40-60 cm, trang trí theo phong cách kiến trúc Đông – Tây. Dinh thự có 99 cửa lớn nhỏ, mỗi cửa mang phong cách kiến trúc khác nhau. Đây là nơi đầu tiên ở Sài Gòn có thang máy.
Vài năm gần đây, nhiều hạng mục của bảo tàng bị hư hỏng, xuống cấp. Mới đây, Sở Văn hóa Thể thao vừa báo cáo UBND TP HCM về việc công trình cao ốc khu tứ giác Bến Thành (góc phải ảnh) đang thi công đã ảnh hưởng đến kết cấu của bảo tàng.
Cổng bảo tàng trên đường Lê Thị Hồng Gấm đã không thể mở được từ nhiều tháng. Để đảm bảo an toàn, bảo tàng phải căng ruy băng phong tỏa khu và treo bảng cảnh báo nguy hiểm.
Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM cho biết, định kỳ 1-2 tháng, phía nhà thầu công trình cử chuyên gia đến quan trắc, theo dõi chỗ hư hỏng ở bảo tàng và có đề xuất giải pháp chống đỡ ở những vị trí có nguy cơ đổ sập nhưng bảo tàng đánh giá “không phù hợp”.
Đoạn tường hàng rào bảo tàng dài khoảng 50 m, cao hơn 2 m bị “lượn sóng”, hơi nghiêng ra đường.
Bậc tam cấp lối vào bảo tàng bị lún, hở nhiều đoạn thành vệt dài.
Theo Bảo tàng, khi công trình cao ốc tứ giác Bến Thành khởi công năm 2012, đào sâu đất để thi công móng và tầng hầm, ba tòa nhà bảo tàng bị lún, mặt sàn và tường nhiều chỗ nứt kéo dài.
Những phù điêu đắp trên các cột chịu lực ở mặt sau bảo tàng bị nứt nẻ bốn góc, lộ kết cấu xi măng bên trong.
Trước đó, tháng 3/2017, bức phù điêu “cá hóa long” nằm gần ống thoát nước ở tầng mái khối nhà 1 bị rơi xuống. Phía bảo tàng cho biết đã chủ động phối hợp với nhà thầu để sửa chữa, khắc phục sự cố phù điêu bị rơi và gia cố nhà bảo vệ. Tuy nhiên, sau thời gian tạm ngừng thi công, cuối năm 2019, công trình tiếp tục xây dựng tầng cao, ảnh hưởng đến bảo tàng.
Hiện bảo tàng vẫn tiếp tục mở cửa đón khách hàng ngày. Giá vé tham quan là 30.000 đồng mỗi người.
Kiến trúc Á – Âu của tòa nhà sau gần 100 năm.
Tòa nhà này do con cháu ông Huỳnh Văn Hoa (Hui Bon Hoa, 1845 -1901) – một thương nhân người Hoa mà dân Sài Gòn quen gọi là Chú Hỏa xây dựng làm nơi ở. Đến 1987, tòa nhà được làm bảo tàng, hiện trưng bày hơn 21.000 hiện vật. Năm 2012, bảo tàng được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố, mỗi năm thu hút hơn 200.000 lượt khách.
S128 Cockfighting SABA Thể thao