Không chỉ củng cố liên minh, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dường như muốn tăng ủng hộ và vị thế Washington trước thềm cuộc gặp quan chức Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin hôm 15/3 bắt đầu thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên dưới chính quyền Tổng thống Biden tới hai nước đồng minh châu Á Nhật Bản và Hàn Quốc. Khi thảo luận với Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi hôm qua, Blinken tái khẳng định quan hệ đồng minh Mỹ – Nhật, đồng thời kêu gọi hai nước hợp tác sâu sắc hơn về kinh tế và an ninh.
“Ngoài quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương, nhiều thỏa thuận an ninh với Nhật Bản và Hàn Quốc tại Đông Bắc Á là nền tảng kiến trúc an ninh thời hậu chiến của Mỹ”, Kashish Parpiani, chuyên gia tại viện nghiên cứu Observer Research Foundation ở New Delhi, Ấn Độ, chia sẻ với VnExpress.
Parpiani thêm rằng trong bốn năm dưới thời cựu tổng thống Donald Trump với tầm nhìn “Nước Mỹ trước tiên”, quan hệ đối tác với Seoul và Tokyo của Washington đã xấu đi do Trump tập trung quá nhiều vào các vấn đề thương mại và chia sẻ chi phí quốc phòng.
Ngay từ khi tranh cử tổng thống, Joe Biden đã cam kết sẽ đưa Mỹ trở lại sân khấu quốc tế, khôi phục liên minh bị rạn nứt dưới thời Trump, nhằm lấy lại vị thế của quốc gia này.
“Với mức độ cải thiện quan hệ đồng minh gần đây của Mỹ và EU tạm ngừng áp thuế liên quan tới tranh chấp Boeing-Airbus, chính quyền Biden dường như muốn quay sang cứu vãn mối quan hệ đồng minh với Tokyo và Seoul”, ông Parpiani nhận định.
Bên cạnh mục tiêu cải thiện quan hệ đồng minh với Nhật Bản và Hàn Quốc, giới quan sát nhận định Trung Quốc là “chủ đề nóng” trong chuyến công du đầu tiên của Ngoại trưởng Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Austin. Ngày càng lo ngại Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng, nhóm Bộ Tứ, gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ tuần trước lần đầu nhóm họp dưới thời Biden nhằm phát thông điệp cứng rắn tới Bắc Kinh.
“Tổng thống Joe Biden đã tổ chức cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên với lãnh đạo ba nước, gửi đi tín hiệu rõ ràng tới Trung Quốc rằng Mỹ và đối tác châu Á – Thái Bình Dương sẽ đẩy lùi bất kỳ hành động nào mà họ cho là gây hấn”, Charles R Hankla, phó giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học bang Georgia ở Atlanta, Mỹ, nhận định.
Cuộc họp thượng đỉnh bốn nước diễn ra vài ngày sau khi Biden công bố tài liệu sơ bộ về chính sách an ninh quốc gia, nhấn mạnh Washington cần phải tăng cường liên minh với các nước cùng chí hướng và xem Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh duy nhất” có tiềm lực kinh tế, ngoại giao, quân sự và sức mạnh công nghệ để tạo ra thách thức lâu dài đối với hệ thống quốc tế tự do và ổn định.
Sau cuộc gặp hôm qua, lãnh đạo ngoại giao và quốc phòng Mỹ và Nhật cũng ra tuyên bố chung cảnh cáo Trung Quốc có hành vi không phù hợp với luật lệ quốc tế, gây thách thức nhiều mặt.
“Hành vi của Trung Quốc không phù hợp với luật lệ quốc tế, đặt ra thách thức về chính trị, kinh tế, quân sự và công nghệ”, trích tuyên bố chung có đoạn. “Các bộ trưởng cam kết phản đối hành vi ép buộc và gây bất ổn đối với những nước khác trong khu vực”. Blinken bày tỏ “đoàn kết hướng đến khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, nơi các quốc gia tuân thủ luật lệ, hợp tác để giải quyết mâu thuẫn trong hòa bình”.
Ngay sau khi kết thúc chuyến thăm Hàn Quốc vào ngày 18/3, Blinken dự kiến trở về Alaska để cùng Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan tham gia cuộc họp với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và nhà ngoại giao hàng đầu Dương Khiết Trì, trong khi Austin sẽ tiếp tục chuyến thăm tới Ấn Độ.
“Các chuyến thăm của Antony Blinken và Lloyd Austin tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ nên được nhìn nhận trong bối cảnh rộng hơn, như tín hiệu gửi tới Trung Quốc rằng chính quyền sẽ tiếp tục gây áp lực về các hành vi của họ, nhưng sử dụng cách tiếp cận đa phương hơn”, ông Hankla nói.
Zhou Yongsheng, giáo sư tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc ở Bắc Kinh, cho biết thông qua chuyến thăm, Mỹ muốn tìm kiếm ủng hộ lớn hơn từ Tokyo và Seoul trong nhiều vấn đề liên quan tới Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên. Mục đích là có thể nắm rõ hơn lập trường của các đồng minh về Bắc Kinh trước khi bước vào cuộc gặp với hai quan chức Trung Quốc tại Alaska cuối tuần này.
“Thời gian đã được sắp xếp có chủ đích. Bởi chiến lược quốc tế của Biden đầu tiên là củng cố liên minh, đạt được đồng thuận giữa các đồng minh và sau đó cùng nhau đối phó Trung Quốc”, Zhou chia sẻ với SCMP. “Mỹ trước tiên sẽ gặp lãnh đạo Nhật Bản và hàn Quốc để hiểu thái độ, nhu cầu và quan điểm của họ về Trung Quốc, cũng như đánh giá mức độ hợp tác với Mỹ, quy mô và mức độ sẵn sàng hành động của họ”.
Mối quan hệ Mỹ – Trung đã xấu đi nghiêm trọng sau bốn năm chính quyền Trump, khi hai nước đối đầu nhau trên nhiều vấn đề từ Covid-19, thương mại, Đài Loan, Hong Kong, cho tới các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông và Hoa Đông.
Các lãnh đạo Trung Quốc cho biết họ rất mong đưa mối quan hệ với Mỹ trở lại tình trạng ổn định. Song một số nhà phân tích cảnh báo rằng bất kỳ bước đi xuống thang căng thẳng nào của Mỹ cũng có thể giúp Trung Quốc thêm thời gian phát triển năng lực công nghệ và quân sự trước khi căng thẳng lại leo thang.
Nhìn vào những động thái củng cố liên minh kể từ khi nhậm chức của Biden, giới quan sát nhận định chính quyền mới khó có khả năng từ bỏ lập trường cứng rắn với Trung Quốc.
Chuyên gia Parpiani lý giải Blinken và Austin chọn thăm hai đồng minh lâu năm Nhật Bản và Hàn Quốc cho chuyến công du đầu tiên liên quan tới cuộc gặp với quan chức Trung Quốc tại Alaska trong hai ngày 18-19/3. Washington tin rằng họ sẽ thảo luận với lập trường ngày càng mạnh mẽ và sẽ nêu rõ những quan ngại trước Bắc Kinh về các vấn đề như Hong Kong, Tân Cương, cùng nhiều hành động “độc hại” trên không gian mạng của Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc xem đây là “đối thoại chiến lược”, mở ra cơ hội cải thiện mối quan hệ hai nước.
“Chuyến thăm Tokyo và Seoul có thể củng cố sự tín nhiệm trước thềm cuộc gặp Mỹ – Trung”, ông nói.