Ba cách giao tài liệu mật trong vụ án ông Nguyễn Đức Chung

Cơ quan An ninh điều tra xác định cựu chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhiều lần nhận tài liệu mật và tài liệu vụ án Nhật Cường với cách thức “tinh vi”.

Trong vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường, ông Chung và vợ được Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Do muốn nắm bắt thu thập thông tin liên quan và “nắm thông tin về hướng điều tra” liên quan vợ chồng mình, ông Chung thông qua một người để làm quen với bị can Phạm Quang Dũng, cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu – Bộ Công an, người đang tham gia điều tra vụ án Nhật Cường, Cơ quan An ninh điều tra nêu trong kết luận điều tra ra ngày 20/11.

 

 

Nhà chức trách xác định, ngày 16/6/2019, ông Chung đặt vấn đề và được Dũng đồng ý “thu thập, cung cấp thông tin, tài liệu về tình hình, tiến độ và kết quả điều tra”. Tháng 8/2019, bị can Dũng hai lần dùng điện thoại chụp trộm và photocopy 4 tài liệu ở cơ quan. Tháng 9/2019, Dũng photocopy một tài liệu khác ở cơ quan; lần thứ 4 vào tháng 6/2020 chụp trộm 3 tài liệu với 26 trang tương ứng với 26 file ảnh chụp. Lần thứ 5 vào cuối tháng 2/2020 đầu tháng 3/2020, Dũng đã lấy một tài liệu của Cục Cảnh sát kinh tế

 

Dũng cung cấp tài liệu cho ông Chung thông qua 3 phương thức: Sử dụng ứng dụng phần mềm Viber trên điện thoại di động để trao đổi, cung cấp thông tin; chuyển trực tiếp file ảnh chụp tài liệu qua Viber và thông qua người trung gian để cung cấp tài liệu bản giấy.

 

 

Trong 12 tài liệu liên quan vụ án Nhật Cường được Dũng chuyển có 6 tài liệu thuộc danh mục bí mật Nhà nước độ mật.

Lần thứ nhất, ngày 20/7/2019, theo đề nghị của ông Chung, Dũng bắt taxi từ nhà trên đường Nguyễn Xiển đến nhà ông Chung tại phố Trung Liệt để trao đổi về vụ án. Về nhà, Dũng in tài liệu từ máy tính cá nhân ra giấy. Số tài liệu này ông Chung cử tài xế riêng Nguyễn Hoàng Trung đến nhận để mang về.

Ngày 25/8/2019, Dũng liên hệ với ông Chung để cung cấp 3 tài liệu mật. Những tài liệu này được đóng vào một phong bì màu trắng khổ A4 dán kín. Tối cùng ngày, ông Chung chỉ đạo Trung tới nhà Dũng lấy.

Lần cuối cùng, ngày 10/6/2020, Dũng sử dụng ứng dụng Viber chuyển cho ông Chung 3 tài liệu mật. Chủ tịch Hà Nội chuyển lại cho Trung và yêu cầu in ra giấy. Trung không in ra ngay mà lại chuyển tiếp cho Nguyễn Anh Ngọc, 46 tuổi, cựu phó trưởng Phòng Thư ký biên tập Văn phòng UBND Hà Nội, nhờ in giúp để chuyển lại cho sếp.

Nhà chức trách cho biết, sau khi chuyển 26 file ảnh qua ứng dụng “Viber”, Trung đã xóa; riêng bị can Anh Ngọc sao chép và lưu giữ trên máy tính tại phòng làm việc và thẻ nhớ USB. Khám xét nơi làm việc của bị can Anh Ngọc, Cơ quan An ninh điều tra đã thu giữ được số tài liệu này.

 

 

Ngoài các lần chuyển tài liệu trên, Cơ quan An ninh điều tra cũng xác định Dũng nhiều lần trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan vụ án Nhật Cường cho ông Chung thông qua điện thoại di động, qua Viber và gặp trực tiếp. Tuy nhiên, kết quả điều tra không có đủ căn cứ xác định thông tin, tài liệu cụ thể Dũng đã cung cấp nên Cơ quan An ninh điều tra không có cơ sở kết luận về các lần trao đổi, chuyển giao tài liệu này.

Ông Chung bị xác định có vai trò chủ mưu, cầm đầu. Ba bị can còn lại là đồng phạm giúp sức. Cả bốn bị cáo buộc là cán bộ từng công tác trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, am hiểu pháp luật và các nghiệp vụ về đấu tranh phòng chống tội phạm nên có thủ đoạn “hết sức tinh vi”, lợi dụng công nghệ để xoá dấu vết, che giấu.

Ông cùng Dũng, bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, theo khoản 3 điều 337 Bộ luật Hình sự 2015. Khung hình phạt 10-15 năm tù. Hai người còn lại bị đề nghị truy tố theo khoản 1 điều 337. Khung hình phạt 2-7 năm tù.

 

 

Vụ án Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước được khởi tố giữa tháng 7. Nửa tháng sau khi bị đình chỉ cương vị Chủ tịch Hà Nội, ngày 28/8, ông Chung vướng lao lý. Ngoài vụ án này, ông Chung còn bị điều tra trách nhiệm liên quan đến hai vụ án khác xảy ra tại Công ty Nhật Cường; vụ án vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại UBND Hà Nội và các đơn vị liên quan.

 

Ông Chung là tiến sĩ luật, có hàng chục năm công tác tại Công an Hà Nội, từ lãnh đạo Đội Trọng án đến Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự, Phó giám đốc Công an. Cuối năm 2015, khi đang đứng đầu lực lượng công an thủ đô, ông được bầu làm Chủ tịch UBND Hà Nội nhiệm kỳ 2011-2016; tái đắc cử nhiệm kỳ 2016-2021 với số phiếu cao.

 

 

 

Cher

「 Tôi ước khoảnh khắc này sẽ tồn tại mãi mãi, nhưng sự thay đổi đã cười nhạo chúng tôi với vẻ đẹp của nó. 」

Next Post

Cử tướng tới Đài Loan, Trump có thể chọc giận Trung Quốc

T2 Th11 23 , 2020
  Chuyến thăm Đài Loan bất ngờ của chuẩn đô đốc Mỹ Studeman có thể khiến Bắc Kinh áp dụng cách tiếp cận cứng rắn hơn với Đài Bắc và Washington. Các nguồn tin giấu tên, trong đó có một quan chức Đài Loan am hiểu tình hình, nói rằng […]